Lancs Networks, một công ty khởi nghiệp có trụ sở tại Hà Nội, đang nắm trong tay công nghệ lõi để lập trình và sản xuất các thiết bị phần cứng, phần mềm “sạch” có độ bảo mật cao.
Một thiết bị định tuyến của Lancs Networks. Ảnh: L.N
Nếu ai đã biết qua về lập trình vi điều khiển, họ sẽ biết rằng có những loại chip đã được nhà sản xuất thiết kế sẵn kiến trúc, người dùng không thể nào thay đổi hoặc chỉnh sửa được, và có những loại chip “trắng” chưa được lập trình mà chúng ta có thể bơm nạp các dòng code để tự tạo ra các cấu trúc, chức năng cụ thể tùy theo nhu cầu. Loại thứ hai được gọi là FPGA, viết tắt của từ tiếng Anh “Field Programmable Gate Array”.
FPGA có đặc điểm độc đáo vì chúng có thể được lập trình tại chỗ. Ngày nay, chip được tìm thấy trong hầu hết mọi thứ, từ các thiết bị điện tử thông thường như điện thoại, tivi, đồng hồ, máy tính v.v đến các lĩnh vực đặc thù như trung tâm dữ liệu, hàng không vũ trụ, quốc phòng, công nghiệp và viễn thông. Nhưng chúng ta không thể sử dụng chip Smart TV để thay thế chip máy tính. Trái lại, một con chip FPGA có thể được lập trình lại để thay đổi chức năng của nó trong phòng thí nghiệm và không cần trả về nhà sản xuất.
Tưởng tượng một kịch bản khi những chiếc xe điện đã lăn bánh và các nhà nghiên cứu nhận ra có một lỗi trong thiết kế chip. Họ không cần phải đưa mọi chiếc xe trở về kho mà chỉ cần lập trình lại chip từ trung tâm R&D ở trụ sở.
Theo một ước tính của Global Market Insights, quy mô thị trường FPGA toàn cầu có thể đạt 14 tỷ USD vào năm 2028, tăng từ 6 tỷ USD hồi năm 2021. Tốc độ phát triển này đến từ việc ngày càng có nhiều người sử dụng FPGA để đẩy nhanh việc đào tạo, áp dụng AI/ML.
Thêm vào đó, trọng tâm của việc bảo mật và an ninh mạng đang chuyển dần từ phần mềm sang phần cứng, khi có nhiều cáo buộc liên quan đến các doanh nghiệp, chính phủ thu giữ hoặc chặn rất nhiều thiết bị điện tử để cài phần mềm gián điệp trước khi chúng được xuất khẩu ra nước ngoài.
Do vậy, với bất kỳ quốc gia nào, việc sở hữu được những hệ thống, thiết bị và công nghệ lõi mà họ có toàn quyền kiểm soát và không dính dáng tới các lỗ hổng bảo mật (backdoor) từ bên ngoài là điều cực kỳ quan trọng. Một khi số lượng các thiết bị được bảo vệ tăng lên, mức độ an ninh của quốc gia đó cũng tăng lên.
Điều này gợi mở cho Lancs Networks, một công ty khởi nghiệp đang tìm cách tham gia vào hạ tầng giải pháp và thiết bị an ninh mạng ở Việt Nam, một hướng đi mới. Nắm trong tay hai công nghệ lõi có khả năng đáp ứng được yêu cầu của những cơ quan cần mức độ an toàn đặc biệt cho mục đích quốc phòng-an ninh, mục tiêu của Lancs Networks là thương mại hóa các công nghệ này để đông đảo mọi người tiếp cận với giá cả phải chăng.
Thành lập năm 2019, Lancs Networks có tiền thân là công ty HTP Hi-tech chuyên cung cấp các dịch vụ bảo mật cho các Cơ quan chính phủ, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và một số khách hàng quốc tế. Các nhà nghiên cứu của Lancs đến từ các trường đại học hàng đầu trong nước, bao gồm Học viện Kỹ thuật Quân Sự, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông và Đại học Bách khoa Hà Nội.
Ông Nguyễn Văn Thành, giám đốc công nghệ của công ty cho biết, việc kết hợp nghiên cứu phát triển với các trung tâm nghiên cứu uy tín nước ngoài như Đại học Quốc gia Singapore, Đại học Vật lý kỹ thuật Moskva (Nga), Đại học Melbourne, Đại học công nghệ Swinburne (Úc) đã tạo tiền đề để công ty phát triển và ứng dụng kịp thời các công nghệ mới trong lĩnh vực mạng và an toàn bảo mật thông tin. Lancs cũng trở thành đối tác của các hãng sản xuất chip lớn để đảm bảo sản xuất các sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn của nhiều thị trường khác nhau.
Năm 2020, đội ngũ R&D của Lancs tuyên bố đã hoàn thiện hai công nghệ lõi là công nghệ xử lý gói tin tốc độ cao trong chip (Lancs FPGA) và hệ điều hành cho các giải pháp an ninh mạng (Lancs NOS), dựa trên hai bằng sáng chế về Zero Trust và Shared Memory mà họ đang đăng ý ở Mỹ.
Lancs Networks JSC giới thiệu với khách hàng về sản phẩm công nghệ của họ trong một triển lãm hồi tháng 12/2022 tại Hà Nội. Ảnh: DDDN
“Nếu về công nghệ FPGA thì Lancs đang dẫn đầu với tư cách là bộ thiết kế FPGA thương mại đầu tiên và duy nhất trong nước. Trong gần 10 năm, đội ngũ gồm hàng chục kỹ sư người Việt của chúng tôi đã nghiên cứu và tự viết toàn bộ các protocol chạy trên mạng từ lớp 2 đến lớp 7 để có thể điều khiển từng bit, từng byte và tối ưu hóa từng bộ phận trên chip. Giờ đây, công nghệ này được sử dụng để phát triển các thiết bị, giải pháp an ninh mạng của Lancs, cho phép người Việt tự chủ công nghệ chip và tiệm cận với các công nghệ của những hãng hàng đầu trên thế giới như Intel, Xilinx”, Giám đốc điều hành Hà Thế Trường, người từng giữ vai trò Trưởng đại diện của Coriant và ECI Telecom tại Việt Nam, giới thiệu trong một buổi thuyết trình trước các quỹ đầu tư.
Trong khi Lancs FPGA tác động lên các con chip trắng khiến tốc độ xử lý của chúng trở nên nhanh và mượt mà hơn, Lancs NOS liên quan nhiều đến việc quản lý và điều khiển các thiết bị phần cứng, phần mềm kết nối tới. Hệ điều hành Lancs NOS đã được chuẩn hóa và có thể chạy trên nền tảng phần cứng của nhiều hãng như Intel, Qualcomm, Mediatek, Marvell.v.v
Ông Trường nhấn mạnh rằng việc nắm giữ công nghệ lõi sẽ khiến Lancs Networks có khả năng đáp ứng nhu cầu của các khách hàng thuộc nhiều nhóm khác nhau. Năm ngoái, doanh nghiệp đã thương mại hóa một sản phẩm là giải pháp LinkSafe cho thị trường phổ thông như hộ gia đình, doanh nghiệp và cơ quan hành chính. Nó đóng vai trò “đầu não” giúp quản lý mọi truy cập, đảm bảo an toàn thông tin và ngăn chặn các mã độc trong nhiều luồng dữ liệu tới lui giữa các máy móc, thiết bị di động, IoT và dịch vụ đám mây khác nhau.
Cuối năm nay, Lancs dự kiến sẽ tung ra thị trường các dòng sản phẩm mới là bộ định tuyến WiFi, router và cổng bảo mật hai chiều Gateway – nhắm đến đối tượng doanh nghiệp và các hộ gia đình.
“Chúng tôi muốn tiếp cận khoảng 800.000 khách hàng vào cuối năm 2024. Để làm được điều đó, chúng tôi thực hiện cả hai cách – trực tiếp cung cấp giải pháp, thiết bị tới người dùng và gián tiếp cung cấp cho các bên viễn thông như VNPT, FPT, Mobifone – để đưa những sản phẩm bảo mật ‘made in Việt Nam’ này vào thị trường nội địa. Sau đó, chúng tôi sẽ khảo sát thị trường Malaysia và Indonesia để tiến ra Đông Nam Á vào năm 2025”, TS. Trịnh Thanh Bình, nguyên Trưởng ban kiểm soát, Phó tổng giám đốc Ngân hàng quốc tế VIB và hiện là cố vấn tài chính của Lancs Networks, chia sẻ.
Đội ngũ của Lancs Networks
Giám đốc điều hành của Lancs tiết lộ, họ sẽ vẫn cung cấp các giải pháp và thiết bị đặc thù cho những khách hàng đòi hỏi độ an toàn cao như quốc phòng – an ninh nhưng mục tiêu chính của doanh nghiệp vẫn là thị trường mass. Hiện nay, Lancs Networks chưa được công chúng biết tới nhiều, nhưng “nếu công nghệ này thành công đưa vào được những thị trường yêu cầu cao như vậy thì thị trường đại chúng sẽ không phải đặt câu hỏi về công nghệ của chúng tôi nữa”, ông Hà Thế Trường nhận xét.
Trên thực tế, khai thác một con chip FPGA để dùng trong sản xuất hàng loạt là một viễn cảnh cực kỳ tốn kém. Tuy nhiên, ông Trường chỉ ra rằng vì đã làm chủ được công nghệ lõi nên họ sẽ không phải mất phí bản quyền phần mềm – có thể lên tới hàng trăm nghìn USD – cho các hãng sản xuất chip như khi dùng các con chip thương mại lập trình sẵn.
“Điều này sẽ giúp chúng tôi hạ được rất nhiều giá thành sản phẩm, và tạo ra các sản phẩm nội địa rẻ hơn so với các sản phẩm cùng chất lượng và độ bảo mật tương đương. Thậm chí nó có thể cạnh tranh được với các thiết bị của Trung Quốc trên thị trường Việt Nam”, ông nói.
Lancs Networks so sánh điều này như một “đòn bẩy” trong việc tạo ra giá trị gia tăng mới cho các sản phẩm Việt. Giống như một chiếc iPhone mà 80% giá trị của nó không nằm ở chi phí sản xuất phần cứng nhưng trên các thiết kế bản quyền phần mềm, những công nghệ về FPGA và bảo mật an ninh mới sẽ giúp cho Lancs (và nhiều nhóm R&D khác) có thể năng sáng tạo ra các sản phẩm bảo mật tối ưu, đem lại giá trị thị trường cao hơn.
Nguồn: Ngô Hà – Báo Khoa học & Phát triển Việt Nam