Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Bách Khoa Hà Nội – BK Fund là mô hình quỹ đầu tư mạo hiểm được thành lập trong lòng một đại học công lập với định hướng rót vốn cho các startup/spinoff công nghệ ở giai đoạn sớm. Đây còn là nơi cung cấp mạng lưới cố vấn, đối tác kinh doanh cho các phát minh, sáng chế, các startup từ giai đoạn ý tưởng thương mại hóa. Lancs Networks là một trong những startup công nghệ có tiềm năng phát triển rất lớn mà BK Fund đầu tư vào.
Kỹ sư của Lancs Networks giới thiệu sản phẩm mạng “Made in Vietnam”.
Lancs Networks là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu, phát triển, sản xuất các thiết bị, giải pháp và an ninh mạng. Doanh nghiệp này muốn hướng đến tự chủ sản xuất các thiết bị công nghệ thông tin và an ninh an toàn bảo mật “Made in Vietnam” bởi các kỹ sư Việt Nam. Ông Hà Thế Trường, CEO của Lancs Networks cho biết: “BK Fund đã giúp đỡ công ty chúng tôi rất nhiều để xây dựng cộng đồng “Made in Vietnam” trong lĩnh vực ICT, từng bước góp phần chuyển đổi quan niệm của doanh nghiệp Việt Nam trong việc sử dụng sản phẩm CNTT sản xuất trong nước, thay thế nhập khẩu như hiện nay.”
Hoạt động mang nhiều ý nghĩa
Hiện BK Fund đã đầu tư được 6 startups và đang đồng hành, cùng họ vượt qua những thử thách sau hơn 2 năm ra đời. Mỗi dự án đều chứa đựng những ý nghĩa và nền tảng công nghệ. Trước Lancs Networks, BK Fund cũng đã đầu tư vào các startup công nghệ liên quan đến các lĩnh vực như Edtech, Fintech như eJoy English, Gimo, N2TP.
Nhìn qua các dự án trên cho thấy BK Fund có lợi thế ở việc gắn với năng lực phát triển công nghệ của Đại học Bách Khoa Hà Nội. Ông Phạm Tuấn Hiệp, Giám đốc Điều hành Quỹ BK Fund cho biết, BK Fund tập trung đầu tư và ươm tạo doanh nghiệp khởi nghiệp ở cả lĩnh vực công nghệ cao mà hiện nay rất ít quỹ đầu tư như: an ninh mạng, phát triển thiết bị kết nối internet, công nghệ sinh học phân tử, công nghệ tin sinh. BK Fund là mắt xích để cùng xây dựng hệ thống đổi mới sáng tạo của Đại học Bách Khoa Hà Nội và BK Holdings, đóng góp vào chuỗi giá trị hình thành, phát triển, thương mại hóa kết quả nghiên cứu, phát minh, sáng chế từ Đại học.
Nguồn: Thanh Hương – Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp